Valorant được mệnh danh là tựa game có cộng đồng người chơi nhiều nhất nhì làng Esports thế giới.
Toxic là một thuật ngữ chỉ những hành động chửi rủa hay phá hoại trong game nói chung và bộ môn Valorant nói riêng. Thuật ngữ này được dùng để ám chỉ những người chơi thiếu văn minh, có thái độ tiêu cực mỗi khi đồng đội chơi không tốt hoặc không vừa với ý họ. Các game thủ toxic sẽ gây khó chịu và làm ảnh hưởng không tốt đến trải nghiệm của những người chơi khác.
Trong Valorant, bạn sẽ dễ dàng thấy được những hành vi toxic thông qua những dấu hiệu sau đây:
– Nói tục: khi đồng đội mắc phải một lỗi nhỏ thì ngay lập tức sẽ nhận những câu chửi rủa cực kỳ nặng nề.
– Phá game: Khi một người chơi toxic phá game, họ sẽ liên tục quấy phá trải nghiệm của đồng đội bằng cách cố tình báo vị trí, quăng lựu đạn, ném bom choáng bom mù để kéo chân đồng đội thua trận.
- Than vãn: Kiểu người chơi này sẽ có hành vi tương tự như nói tục, nhưng sẽ nhẹ nhàng hơn. Họ sẽ liên tục kêu ca về những sai lầm của đồng đội và đổ lỗi cho những thứ nhỏ nhặt nhất.
Tuy nhiên trong Valorant và đa số các tựa game khác, game thủ sẽ thường xuyên gặp tình trạng “Choke”. Đây là một thuật ngữ ám chỉ việc người chơi sẽ bị nhát tay khi đã xử lý thua quá nhiều lần. Kể cả những tuyển thủ chuyên nghiệp nhất chắc chắn cũng sẽ bị “choke” và thể hiện không tốt. Và hãy tưởng tượng, khi bạn đang cố gắng để quay trở lại trận đấu, nhưng cứ hở ra là bị chì chiết, liệu tâm lý bạn có đủ vững để tiếp tục chơi game hay lại càng trở nên chán nản?
Vậy, làm sao để có thể tránh những trường hợp như vậy khi chơi Valorant?
Tắt chat và chat voice.
Một trong những cách hiệu quả nhất chính là tắt chat và tắt cả chat voice. Khi tắt cả 2 loại chat này, người chơi sẽ dễ dàng tập trung hơn vào trận đấu. Không bị những lời nói, những lời đe dọa ảnh hưởng đến tâm lý.
Nhận lỗi sai.
Nhận lỗi sai về mình cũng là một cách khiến cho những game thủ toxic hạn chế đi được phần nào. Trong game, đôi khi sẽ có một vài tình huống bạn bị chơi hổ báo quá mức cần thiết và nằm xuống một cách vô ích.
Những lúc như vậy, hãy thừa nhận những lỗi sai của mình. Đôi khi những người chơi toxic họ nghe được lời xin lỗi từ bạn, sẽ nguôi ngoai đi phần nào. Còn nếu họ vẫn tiếp tục toxic thì hãy thực hiện cách đầu tiên.
Hãy chỉ ra những lỗi sai của họ.
Nếu sử dụng cách này nghĩa là bạn đã sẵn sàng chấp nhận trận thua. Bạn không cần phải hạ cái tôi, cũng không cần phải tắt chat mà hãy phản biện ngược lại những game thủ toxic ấy. (Và tất nhiên, bạn phải nắm chắc phần đúng đã)
Thế hiện hết khả năng
Đây cũng là một trong những cách rất hữu hiệu để giảm bớt độ toxic của đồng đội. Hãy thể hiện hết khả năng của mình để tập trung vào trận đấu, cho họ thấy bạn có thể làm gì nếu thực sự dồn hết 100% khả năng vào trận đấu.
Report
Nếu bạn đã quá chán nản và thực sự không thể làm gì hơn để ngăn chặn đồng đội toxic, report chính là giải pháp tối thượng dành cho bạn. Đây cũng là phương án cuối cùng nếu tình trạng này trở nên quá tầm kiểm soát. Hệ thống kiểm tra tin nhắn của Valorant hoạt động rất hiệu quả. Nếu bạn gặp những người đồng đội liên tục toxic, hãy âm thầm report dù cho là đồng đội hay là đối phương.
Với cách này, người bị report sẽ có thể nhận án phạt 3 ngày không thể đấu xếp hạng hoặc xa hơn là không thể chơi game trong vài ngày, tùy theo mức độ.
Lời kết
Đây là những cách cơ bản nhưng cũng rất hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng toxic. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc toxic bắt nguồn cũng có lí do của nó. Hãy kiểm tra mạng thật kỹ trước khi chơi bằng cách vào phòng tập, khởi động nhẹ 1-2 trận deathmatch để xem hôm đó bạn có thực sự đang ở phong độ tốt hay không. Đừng vì sự hấp tấp của bản thân mà làm ảnh hưởng đến trải nghiệm chơi của người khác. Nếu đồng đội toxic vì đường truyền của bạn có vấn đề ở giữa trận đấu, đó là lỗi của họ, nhưng bạn biết mạng không ổn mà vẫn cố tình chơi, đó chắc chắn là lỗi của bạn. Hãy vì một cộng đông Valorant văn minh và không toxic nhé!